10/12/2024
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt
STO - Ngày 10/12, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt. Tham dự có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Hồ Quang Cua; Nhà báo Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ.
Phía bộ, ngành có các đồng chí: Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Nguyễn Thành Nam - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Các chuyên gia trong nước và nước ngoài; lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn; sở khoa học và công nghệ các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÚY LIỄU
Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà báo Trần Xuân Toàn nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh có dân số 13 triệu dân, nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn và xét rộng ra Việt Nam có 100 triệu dân, nhu cầu thị trường gạo còn lớn hơn rất nhiều và nhu cầu tiêu dùng của người dân đã thay đổi là chuyển hướng tiêu dùng gạo chất lượng thay vì số lượng. Tính riêng trong tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 5,3 tỷ USD, tương ứng tăng 11% và 25% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đó cho thấy nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn, đặc biệt là chất lượng cao. Thời cơ, thời điểm xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đã đến và đây là cơ hội lớn.
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: THÚY LIỄU
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các thảo luận trọng tâm như: bức tranh của gạo Việt Nam trong 10 năm tới; việc kiểm tra tại các điểm buôn bán, kinh doanh gạo về sử dụng các loại bao bì đóng gói sản phẩm gạo. Về khó khăn trong khâu kiểm tra các giống gạo; việc bảo hộ các giống gạo có thương hiệu; ý thức của người tiêu dùng về bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm gạo nổi tiếng; việc kiểm tra gạo và bảo vệ thương hiệu. Vấn đề nghiên cứu nhu cầu khách hàng khi sử dụng gạo, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc gạo trong nước và xuất khẩu; cách bảo vệ thương hiệu gạo; thực hiện tư duy trong chuỗi liên kết gạo… cũng được thảo luận trong hội thảo.
Các diễn giả tham gia thảo luận về một số vấn đề liên quan đến việc canh tác và xuất khẩu gạo.
Ảnh: THÚY LIỄU
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, trong năm 2024, ước tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 7%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD, trong đó, sản lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 1.288.707 tấn, giá trị xuất khẩu gạo đạt khoảng 789 triệu USD, tăng khoảng 190% so với năm 2023. Qua việc phát triển các giống lúa đặc sản và xuất khẩu gạo đã đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Để phát triển ngành hàng lúa gạo, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện các cách quản trị, tổ chức sản xuất tốt và phương pháp tiếp cận thị trường bài bản, khoa học hơn sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng xuất khẩu và quảng bá “thương hiệu gạo Việt” trên trường quốc tế.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng và Ban Tổ chức hội thảo tặng hoa cho đại biểu có các bài tham luận. Ảnh: THÚY LIỄU
Thông qua hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn mở, kêu gọi sự tham gia tích cực của các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp và các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, để đưa ra được những đề xuất thiết thực, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế.
THÚY LIỄU
Nguồn: Báo Sóc Trăng