Sóc Trăng với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa
      Trong những năm qua, công tác quản lý, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống về lịch sử - văn hóa (LSVH) ở Sóc Trăng được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện trên địa bàn tỉnh có 44 di tích LSVH được xếp hạng, trong đó có 08 di tích cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh, bao gồm 26 di tích lịch sử cách mạng, 10 di tích kiến trúc nghệ thuật, 03 di tích lưu niệm danh nhân, 03 di tích chứng tích chiến tranh, 01 di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ và 01 di tích thắng cảnh.

      Từ nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp di tích thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp đúng quy định, bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa. Hàng năm, cùng với việc khảo sát, nghiên cứu các di tích để lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động chống xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo các di tích được Nhà nước xếp hạng. Tiêu biểu các di tích cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp kinh phí đầu tư tôn tạo như: Di tích Trường Taberd, chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Khleang - thành phố Sóc Trăng; đình Hòa Tú - huyện Mỹ Xuyên; Khu căn cứ Tỉnh uỷ Sóc Trăng - huyện Mỹ Tú; Đền thờ Bác Hồ - huyện Cù Lao Dung; Tượng đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm và miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông - thị xã Ngã Năm.

      Ông Lưu Thanh Hùng - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trong 08 di tích cấp quốc gia được xếp hạng đều được Trung ương đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để trùng tu tôn tạo và chống xuống cấp di tích. Đối với những di tích này đều được phát huy giá trị rất tốt; từ việc đầu tư tôn tạo đó, làm cho bộ mặt di tích, cảnh quan, môi trường ngày càng khang trang, sạch, đẹp, thu hút khách tham quan du lịch đến với Sóc Trăng ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Đền thờ Bác Hồ, huyện Cù Lao Dung - Di tích LSVH cấp quốc gia


      Bên cạnh đó, các di tích cấp tỉnh cũng được quan tâm đầu tư kinh phí tôn tạo, chống xuống cấp như: Di tích chứng tích chiến tranh - Địa điểm Mỹ Ngụy thảm sát thường dân xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị; di tích lưu niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Liệt sĩ Thiều Văn Chỏi xã Ba Trinh, huyện Kế Sách; di tích lưu niệm danh nhân Bác sĩ Nông học Lương Định Của, huyện Long Phú và một số di tích khác. Qua công tác kiểm tra di tích cho thấy, việc đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp tại các di tích thường xuyên được quan tâm, một số di tích được các địa phương đầu tư kinh phí mở rộng diện tích, xây dựng hàng rào, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đối với các di tích thuộc loại hình đình, chùa cũng được ban quản lý và ban trị sự các chùa vận động Nhân dân, phật tử đóng góp để trùng tu, tôn tạo.

      Đối với di tích loại hình đình, chùa thường gắn liền với hoạt động tín ngưỡng dân gian, nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa nên các công trình di tích này luôn được bảo quản tốt, diện mạo di tích ngày càng khang trang hơn, nên hầu hết các di tích đều thu hút khách đến tham quan trong những dịp lễ hội của địa phương. Đặc biệt tại 4 di tích: Chùa Mahatup (chùa Dơi), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét) - thành phố Sóc Trăng; chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu) - huyện Mỹ Xuyên và Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng luôn thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan thường xuyên.

      Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trong khuôn viên các di tích luôn được quan tâm thực hiện; thông qua phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, định kỳ hàng quý, nhiều trường học trên địa bàn đã đăng ký đưa các em học sinh đến chăm sóc, làm vệ sinh và tìm hiểu giá trị của di tích. Tình hình xâm hại di tích, xâm phạm đất đai, phá hoại di tích từ trước đến nay không xảy ra, việc sửa chữa các công trình phụ được quan tâm thực hiện tốt. Công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp ở các di tích luôn đảm bảo tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa, cụ thể là khi có nhu cầu sửa chữa, cải tạo hoặc chống xuống cấp các di tích, các tập thể, cá nhân đều xin phép cơ quan chức năng thực hiện việc lập hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định.

      Hầu hết các di tích khi đã xếp hạng đều được quản lý và phát huy tốt tác dụng; công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp đa số được xã hội hóa. Mặt khác, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các di tích cấp quốc gia được Trung ương đầu tư  kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích làm cho di tích ngày càng khang trang và phát huy tốt công năng. Tuy nhiên, một số di tích khi tiến hành tu bổ, tôn tạo đã có sự chênh lệch so với kiến trúc gốc; khi phục chế, tu bổ không chú ý đến bảo vệ hệ thống văn tự, từ đó dẫn đến việc các câu đối, văn bia, đạo sắc phong bị hư hỏng, thất lạc... Nguyên nhân do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng ở một số nơi chưa được đẩy mạnh, việc thực hiện phân cấp quản lý di tích ở một số địa phương còn lúng túng...

      Từ những thực trạng trên cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích LSVH là vấn đề quan trọng; chính vì thế, cần thiết phải giữ gìn và bảo vệ di sản văn hóa tỉnh nhà. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích LSVH ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu, phòng Văn hóa và Thông tin, ban quản lý di tích LSVH các huyện, thị xã, thành phố cần kiện toàn và xây dựng quy chế hoạt động của ban quản lý di tích; quan tâm hơn nữa công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tạo vẻ mỹ quan cho di tích. Tăng cường công tác quản lý di tích trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề lấn chiếm, xâm phạm đất đai; ban quản lý, ban quản trị các di tích phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức cắm mốc, khoanh vùng tại di tích, tổ chức các hoạt động về nguồn, hội trại, kể chuyện truyền thống, phối hợp xây dựng chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để các em học sinh tham gia bảo vệ môi trường, tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh nhà.

Bài và ảnh: Lữ Giàu
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86657363

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.